Khái niệm về hợp đồng đặt cọc
Theo Luật gia Trần Văn Hiếu- Chi hội Luật gia (Đoàn luật sư Hà Nội), đặt cọc là một trong các biện pháp đảm bảo thực hiện nghĩa vụ được quy định tại Bộ luật Dân sự. Cụ thể, theo khoản 1 (Điều 328, Bộ luật Dân sự 2015) quy định về khái niệm đặt cọc thì đặt cọc là việc một bên (sau đây gọi là bên đặt cọc) giao cho bên kia (sau đây gọi là bên nhận đặt cọc) một khoản tiền hoặc kim khí quý, đá quý hoặc vật có giá trị khác (sau đây gọi chung là tài sản đặt cọc) trong một thời hạn để bảo đảm giao kết hoặc thực hiện hợp đồng.
Từ những căn cứ trên có thể hiểu, hợp đồng đặt cọc là sự thỏa thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự, trong đó một bên giao cho bên kia một khoản tiền hoặc kim khí quý, đá quý hoặc vật có giá trị khác trong một thời hạn để bảo đảm giao kết hoặc thực hiện hợp đồng.
Trước khi giao kết hợp đồng đặt cọc mua đất, các bên cần phải thỏa thuận, đàm phán về nội dung cơ bản để chuẩn bị cho việc giao kết hợp đồng.
Trong hợp đồng đặt cọc mua đất, các bên đều có quyền và nghĩa vụ đối với nhau, nếu một bên vi phạm nghĩa vụ thì có thể gây thiệt hại cho bên kia. Do đó, các bên có thể thỏa thuận đặt cọc để đảm bảo cho việc thực hiện đúng nghĩa vụ. Tuy nhiên, thực tiễn cũng phát sinh không ít trường hợp "bỏ cọc" và đã gây ra nhiều hệ lụy, thiệt hại cho bên còn lại.
Đừng quên ghi lại 4 điều khoản này trong hợp đồng
Để hạn chế tối đa rủi ro khi mua đất, bạn hãy yêu cầu người bán cam kết trong hợp đồng đặt cọc các nội dung sau:
Thứ nhất, đất không có tranh chấp, không bị kê biên.
Thứ hai, đất không thuộc quy hoạch.
Thứ ba, đất có giấy chứng nhận hợp pháp.
Thứ tư, đất không có thế chấp.
Trong trường hợp người bán vi phạm một trong các cam kết trên, bạn có thể yêu cầu trả lại tiền cọc hoặc đòi bồi thường. Tất nhiên, để những quyền lợi của người mua được thực thi thì các nội dung về việc hoàn cọc hay bồi thường cũng phải được liệt kê chi tiết trong hợp đồng.