Người bạn cùng lớp cấp 3 gần đây ra sức kêu gọi mấy đứa trong nhóm rút tiền tiết kiệm để cùng cậu “ôm” mấy lô đất tại Vĩnh Phúc.
Cuộc đi săn đất của các nhóm nhà đầu tư từ cũ đến mới diễn ra nhộn nhịp ở các thị trường vùng ven TP.HCM và Hà Nội
“Nghe đồn giá cả khu vực đó đã tăng vài lần kể từ đầu năm và sẽ tăng mạnh nữa khi có thông tin đồn đoán xây dựng trung tâm hành chính mới ngay gần đó”, cậu bạn chia sẻ.
Bỏ công việc nhiều người mơ ước ở ngân hàng, cậu bạn quyết định khởi nghiệp từ đất sau khi “lướt sóng” thành công nhiều lô đất, thu lãi tiền tỷ trong năm vừa qua. Ngồi nghe cậu kể từ giá cả, cách vào tiền, thủ tục vay vốn… và cả những nguồn tin “mật” mà cậu nắm được, tôi mới thấy ngỡ ngàng, vì chỉ trước đó hơn năm, cậu còn hỏi “đầu tư bất động sản như thế nào, đầu tư có khó không, làm sao để có lãi?”.
Thậm chí, có những kiến thức về thị trường mà tôi, một người khá tự tin vì được theo dõi mảng bất động sản cũng giật mình vì hóa ra, mình cũng “chả biết gì về đất cả!”.
Cụm từ F0 trong lĩnh vực địa ốc mới chỉ xuất hiện nhiều trong vài năm qua, dùng để chỉ những người mới lần đầu đầu tư bất động sản như cậu bạn tôi, nhưng những người này đang tạo nên rất nhiều thay đổi cho thị trường, bao gồm cả cách nhìn nhận và phương thức đầu tư.
Khác biệt với những thế hệ trước, việc được tiếp cận thông tin dễ dàng hơn qua internet, có điều kiện về xe cộ và đặc biệt, không ngại khi nhắc tới “vay ngân hàng” để đầu tư, F0 đã “làm mưa làm gió” trên thị trường gần 2 năm qua.
Nói như ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS), chính F0 chứ không ai khác đã tạo thành điểm tựa cho thị trường bất động sản trong 2 năm vật lộn với Covid-19 vừa qua.
Bắt đầu bằng câu hỏi “trong thời điểm suy thoái, để tiền mặt ngân hàng làm gì?”, rồi tự trả lời rằng, việc đầu tư vào bất động sản là hấp dẫn, ông Trần Minh, một nhà tư vấn bất động sản cá nhân cho biết, khi những nhà đầu tư gạo cội còn lo lắng liệu thị trường có tăng hay không, thì khá nhiều người trẻ khác lại có “cái đầu lạnh” ngược dòng thị trường để kiếm tiền.
Sự xuất hiện của những “tay ngang” như game thủ Chim sẻ đi nắng hay diễn viên Hùng Thuận (bé An trong phim Đất rừng phương Nam) cũng nói lên phần nào sức hấp dẫn của thị trường địa ốc.
Có thể nói, qua rồi thời tư duy “nhà đầu tư F0” chủ yếu là tiền mặt nhưng thiếu kinh nghiệm và kiến thức, thực tế cho thấy, lớp nhà đầu tư này rất nhanh nhạy và chỉ một thời gian ngắn là có thể xếp vào hàng “Professional”, hay còn gọi là nhà đầu tư chuyên nghiệp. Trong đó, đất nền là món khoái khẩu của nhóm những nhà đầu tư thế hệ mới này.
Một biệt tài của những nhà đầu tư mới này là họ rất giỏi trong việc tìm kiếm những lô đất có giá trị đầu tư thấp, có khả năng sinh lời rất tốt, đặc biệt là những khu vực ngoại tỉnh.
Gần như trong một năm qua, ngoại trừ 3 tháng phải ở nhà bắt buộc vì giãn cách, thì gần như ngày nào cậu bạn tôi cũng rong ruổi trên xe đi hết tỉnh này tới tỉnh nọ, từ Vĩnh Phúc sang Thái Nguyên, ngược Bắc Kạn rồi lên Lào Cai… Đi thì mệt nhưng như cậu nói, làm cái nghề “cạp đất, ăn tiền” này cũng có cái thú vui riêng của nó khi biết nhiều thứ hơn và quan trọng là kiếm tiền nhiều hơn.
Tất nhiên, cũng có lúc vào tiền ở đỉnh sóng, nhưng như cậu nói, với phong cách đầu tư “đánh cả cụm” thì không bao giờ sợ lỗ, bởi lỗ lô này lại bù được lô khác, nhất là với những nhà đầu tư tham gia chân sóng ngay từ đầu như cậu.
Có câu nói “kiếm tiền, dù ở bất kỳ đâu, đều là vấn đề gây hao tâm tổn lực”, nhưng khi đất đai đang trở thành đề tài “nóng” thì hao tâm tổn lực dường như cũng xứng đáng theo góc nhìn của các các nhà đầu tư mới này. Một khảo sát nhanh của Báo Đầu tư Chứng khoán cho thấy, sau giai đoạn nới lỏng giãn cách từ cuối tháng 10/2021 trở lại đây, thị trường tiếp tục đón nhận dòng tiền mới từ các F0.
Đa số trong đó là những những nhà đầu tư sau khi kiếm bộn tiền trên thị trường chứng khoán, đã chuyển một phần dòng tiền sang bất động sản. Tại nhiều dự án, mỗi nhà đầu tư ôm từ vài đến vài chục lô đất cùng một lúc. “Không sợ đất mất giá, chỉ sợ không có tiền ôm thêm nhiều lô nữa” gần như là câu cửa miệng của những nhà đầu tư này.
Dịch bệnh càng khiến nhiều người có tiền tích lũy đổ mạnh vào thị trường bất động sản, khi các ngành sản xuất, kinh doanh đang đối mặt với nhiều khó khăn. Số liệu của Batdongsan.com.vn chỉ ra rằng, cứ sau mỗi đợt bùng phát dịch, mức độ quan tâm tới bất động sản lại tăng mạnh, cụ thể: Sau đợt 1, mức độ quan tâm tăng 306%; đợt 2 tăng 62%; đợt 3 tăng 378% và đợt 4 tăng 105%.
Cơ sở của việc này xuất phát từ bối cảnh nguồn cung mới khan hiếm, những lo ngại về nguy cơ lạm phát cao, cộng hưởng giá nhà đất chưa có dấu hiệu ngừng tăng, càng khiến cho người dân lựa chọn “trữ tiền” vào kênh đầu tư an toàn như bất động sản.
Ông Lê Quang Mạnh, giám đốc một sàn bất động sản cho biết, tâm lý của các nhà đầu tư hiện rất hồ hởi và lạc quan sau sự dồn nén của thị trường bất động sản suốt nhiều tháng “ngủ đông”, cộng với tâm lý không muốn bỏ lỡ cơ hội sinh lời khi Việt Nam đang đẩy mạnh đầu tư công, triển khai hàng loạt dự án hạ tầng quy mô lớn.
Bên cạnh đó, những tín hiệu cho thấy thị trường có thể sớm hồi phục trở lại cũng tạo ra động lực cho nhiều nhà đầu tư nhanh nhạy tận dụng cơ hội này để mua lại các bất động sản giảm giá, rồi tìm kiếm cơ hội bán lại.
Dự báo của đơn vị nghiên cứu thị trường cho rằng, nhu cầu ở thực và đầu tư nhà đất năm 2022 sẽ đạt khoảng 70% của năm 2019 (thời điểm trước dịch) và một phần nhóm đầu tư ngắn hạn vào các thị trường khác như vàng, chứng khoán sẽ quay trở lại thị trường bất động sản.
Trong lúc viết bài này, tôi có cuộc điện thoại của mấy người anh quen từ thời mới ra trường đi làm. Các anh rủ tôi ghé chơi, “trà dư tửu hậu” về chuyện đất cát và cả những câu chuyện xung quanh thế hệ những nhà đầu tư mới.
Sự khác biệt về văn hóa, đời sống, xã hội... đưa tới sự khác biệt về phong cách sống và suy nghĩ của những thế hệ nhà đầu tư trước và nay. Dù hiện đều là “đại gia” bất động sản, nhưng trong câu chuyện kể của các anh, tôi thấy được sự ngưỡng mộ về tính quyết đoán của thế hệ F0 hiện tại. Nói chung, thời hiện tại cho phép người trẻ “dám nghĩ, dám làm” hơn rất nhiều và điều này đôi khi cũng là sự may mắn cho thị trường.
Có lẽ xung quanh những câu chuyện “làm giàu từ đất” của thế hệ F0 không tránh khỏi có những người có thái độ đầu tư đối với tiền bạc, kiến thức và cả tương lai của mình, theo kiểu không cần cố gắng nỗ lực học hỏi gì nhiều, chỉ cần bắt chước nhiều người khác, bỏ vào đâu đó một số tiền, sau một thời gian sẽ thu lợi gấp vài chục, thậm chí vài trăm lần số tiền ban đầu.
Nhưng suy cho cùng, nếu không “mạo hiểm” thì sao biết mình có thành công được hay không, bởi lẽ kiếm tiền nhanh và dễ vẫn luôn là mong muốn chính đáng ở tất cả mọi người.
Việt Linh - Báo Đầu Tư