Trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), thuế sử dụng đất chưa được quy định cụ thể, không có điểm mới, chưa đáp ứng yêu cầu quy định mức thuế cao hơn với người sử dụng nhiều diện tích, nhiều nhà ở.
Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam vừa có báo cáo tổng kết kết quả lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Cơ quan này đã nhận được hơn 8,3 triệu ý kiến của các tổ chức, cá nhân góp ý cụ thể vào từng quy định trong Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
Song bên cạnh đó cũng có ý kiến cho rằng việc sửa đổi Luật lần này cần thêm thời gian, việc tổ chức lấy ý kiến Nhân dân tuy cần thiết nhưng còn gấp gáp, không tránh khỏi tình trạng hình thức còn diễn ra ở nhiều địa phương, đơn vị.
Nhóm ý kiến này đề nghị lùi thời hạn thông qua Luật Đất đai (sửa đổi) vào kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV để có thêm thời gian tiếp thu, hoàn thiện.
Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cũng nhận thấy vẫn còn một số nội dung chưa thật sự phù hợp hoặc thể chế chưa đầy đủ Nghị quyết số 18.
Cân nhắc quy định "dự án đô thị do Nhà nước thu hồi đất"
Báo cáo về việc thể chế Nghị quyết 18 của Trung ương trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đề cập đến việc thu hồi đất để thực hiện các dự án đô thị, nhằm minh chứng cho việc "quy định chưa thể chế đầy đủ Nghị quyết 18".
Nghị quyết 18 của Trung ương nêu rõ: "Tiếp tục thực hiện cơ chế tự thỏa thuận giữa người dân và doanh nghiệp trong chuyển nhượng quyền sử dụng đất để thực hiện các dự án đô thị, nhà ở thương mại".
Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đề nghị cân nhắc quy định "dự án đô thị do Nhà nước thu hồi đất"
(Ảnh minh họa: Hữu Nghị).
Trên thực tế, khi thỏa thuận sẽ có một số vướng mắc trong quá trình thực hiện dự án phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Nhưng nếu để Nhà nước thu hồi đất cũng sẽ phát sinh vướng mắc người sử dụng đất chưa đồng thuận cao.
Lý do là khi thu hồi bồi thường chỉ bằng giá đất nông nghiệp, sau đó đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng bao nhiêu không có ai kiểm soát, đến khi thành đất ở, giá chênh lệch nhiều lần tạo ra sự bất công.
Trong dự thảo đưa ra lấy ý kiến nhân dân lần này, Điều 78 vẫn quy định là "Nhà nước thu hồi đất để thực hiện dự án phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia công cộng", Ban Soạn thảo đã tiếp thu và không còn quy định thu hồi đất để thực hiện dự án nhà ở thương mại. Tuy nhiên, Điểm h vẫn quy định về "dự án đô thị sử dụng các loại đất không phải là đất ở".
Như vậy, theo Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, dự thảo vẫn quy định dự án đô thị do Nhà nước thu hồi đất. Cơ quan này đề nghị ban soạn thảo cân nhắc thật kỹ lưỡng điều khoản trên để phù hợp với Nghị quyết 18.
Thay vào đó, MTTQ Việt Nam đề nghị chỉnh lý quy định này theo hướng: Dự án đô thị phải thực hiện theo cơ chế tự thỏa thuận giữa người dân và doanh nghiệp trong chuyển nhượng quyền sử dụng đất.
Trong trường hợp thỏa thuận được trên 80% số hộ dân có đất ảnh hưởng bởi dự án nhưng số còn lại không thể thỏa thuận được thì trên cơ sở đề xuất của doanh nghiệp, Nhà nước tiến hành thu hồi đất đối với phần diện tích không thể thỏa thuận.
Quy định cụ thể đối tượng bị áp thuế cao và trường hợp được miễn giảm
Một trong những quan điểm khác được đề cập trong Nghị quyết 18 của Trung ương là "quy định mức thuế cao hơn đối với người sử dụng nhiều diện tích đất, nhiều nhà ở, đầu cơ đất, chậm sử dụng đất, đất bỏ hoang".
Đối chiếu với mục tiêu này, Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho rằng dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) vẫn chưa giải quyết thỏa đáng vấn đề, thuế sử dụng đất chưa được quy định cụ thể, không thể hiện điểm mới, chưa đáp ứng yêu cầu mức thuế cao hơn đối với người sử dụng nhiều diện tích, nhiều nhà ở…
Theo MTTQ Việt Nam, nội dung này được đông đảo nhân dân quan tâm nhưng hiện nay vẫn chưa được cụ thể hóa bởi quy định pháp luật trong dự thảo Luật.
Cơ quan này vì thế đề nghị đưa vào dự thảo Luật các quy định cụ thể về đối tượng sẽ bị áp dụng mức thuế cao, đối tượng được áp thuế bình thường, các trường hợp miễn giảm, xây dựng một hệ thống để thông báo cho người dân biết số tiền thuế họ đóng vào được dùng vào những việc gì, tạo điều kiện cho người dân tham gia vào công tác giám sát việc sử dụng thuế của Nhà nước.
Theo thống kê của Ủy ban MTTQ Việt Nam, riêng nội dung về thu hồi đất có hơn 650.000 ý kiến góp ý, do đây là vấn đề ảnh hưởng đến quyền lợi, sinh kế của nhiều người dân, là một trong những lĩnh vực nóng, nhạy cảm, có nhiều khiếu kiện.
Về việc thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh, có ý kiến đề nghị bỏ quy định "thu hồi đất để làm nhà công vụ, nhà khách của lực lượng vũ trang" vì chưa thể hiện rõ bản chất của mục đích quốc phòng, an ninh; không thể hiện được tính cấp bách, cần thiết của yêu cầu quốc phòng, an ninh.
"Việc làm nhà công vụ, nhà khách của lực lượng vũ trang nên được các đơn vị lực lượng vũ trang bố trí thực hiện chung với việc xây dựng trụ sở làm việc", theo đề nghị của Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam.
Với nội dung "Thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng", có ý kiến đề nghị tách mục đích thu hồi đất phục vụ vì lợi ích quốc gia và công cộng khỏi mục đích phát triển kinh tế - xã hội.
"Dự án công trình để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng, trong đó có trường hợp thu hồi đất để thực hiện dự án đô thị, nhà ở thương mại thì nên để nhà đầu tư thương lượng với người dân", theo MTTQ Việt Nam.
Dự Luật đưa ra các quy định về thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng và chỉ liệt kê danh mục các dự án thuộc diện Nhà nước thu hồi đất mà thiếu các điều kiện, tiêu chí cụ thể để làm rõ thế nào là dự án vì lợi ích quốc gia, công cộng.
Vì vậy, MTTQ Việt Nam đề nghị Luật cần phải có định nghĩa cụ thể về các khái niệm này, ít nhất là giải thích từ ngữ. "Nếu không cụ thể, dễ bị áp dụng chủ quan, dẫn tới tình trạng nhiều dự án thu hồi đất thiếu minh bạch, không đúng mục đích; thu hồi đất tràn lan, để lại quá nhiều dự án treo, gây lãng phí rất lớn từ nguồn lực đất đai", MTTQ Việt Nam nhận định.