Đề xuất đầu tư xây mới cầu đường sắt Đuống

(HNMO) – Ban quản lý dự án 6 vừa trình Bộ Giao thông Vận tải thẩm định, phê duyệt báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư dự án nâng cấp tuyến vận tải thủy sông Đuống (cầu đường sắt Đuống) dự kiến trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.

Theo đó, dự án sẽ đầu tư xây mới cầu đường sắt Đuống (trên địa bàn quận Long Biên và huyện Gia Lâm) về phía thượng lưu cách cầu hiện hữu 16,5m (vị trí quy hoạch tuyến đường sắt đô thị số 1 Ngọc Hồi – Yên Viên); xây mới cầu đường bộ theo quy hoạch để tách cầu đường bộ ra khỏi đường sắt, cách tim cầu hiện hữu 100m về phía hạ lưu.

Đường sắt có điểm đầu tuyến tương ứng lý trình đường sắt hiện hữu Km9+010, điểm cuối tương ứng lý trình đường sắt hiện hữu Km10+010. Tổng chiều dài đường sắt nghiên cứu khoảng 1.080m, trong đó chiều dài xây dựng cầu khoảng 325m.

phulam-vn-de-xuat-dau-tu-xay-moi-cau-duong-sat-duong.jpg

Đường bộ có điểm đầu tại nút giao đầu cầu Đuống hiện hữu trên đường Ngô Gia Tự (thuộc địa bàn quận Long Biên); điểm cuối tại nút giao giữa đường Hà Huy Tập với đường Phan Đăng Lưu (địa bàn thị trấn Yên Viên, huyện Gia Lâm). Tổng chiều dài nghiên cứu khoảng 750m. Cùng với đó sẽ xây dựng mới kè bảo vệ bờ sông Đuống tại khu vực xây dựng cầu đường sắt Đuống và cầu đường bộ. Chiều dài nghiên cứu xây dựng mỗi bên khoảng 500m.

Đối với công trình cầu đường sắt, theo Phó Giám đốc Ban quản lý dự án 6 Thái Anh Tuấn, căn cứ hiện trạng và quy hoạch, do cầu đường sắt hiện tại không bảo đảm tĩnh không và bề rộng khoang thông thuyền, Ban quản lý dự án 6 đề xuất 3 phương án:

Phương án 1: Xây dựng mới đoạn đường sắt quốc gia vành đai phía Đông dài khoảng 59km (đoạn Ngọc Hồi – Lạc Đạo – Yên Thường – Bắc Hồng), không khai thác khu gian từ Gia Lâm – Yên Viên, tháo bỏ cầu Đuống hiện tại.

Phương án 2: Xây dựng cầu mới phía thượng lưu cách cầu cũ khoảng 16,5m tại vị trí quy hoạch tuyến đường sắt đô thị số 1, nâng cao độ đỉnh ray lên khoảng 2,75m bảo đảm thông thuyền, tĩnh không đạt 7m.

Phương án 3: Giữ cầu hiện tại, cải tạo làm mới kết cấu nhịp, làm mới hệ thống nâng hạ nhịp chính khoang thông thuyền bảo đảm thông thuyền, tĩnh không đạt 9,5m.

Ở cả 3 phương án đầu tư cầu đường sắt đều phải đầu tư hoàn trả cầu Đuống đường bộ đi chung với đường sắt.

Trên cơ sở phân tích, so sánh các phương án, Ban quản lý dự án 6 kiến nghị lựa chọn phương án 2 do phương án này bảo đảm khơi thông được nút thắt vận tải thủy trên tuyến hành lang đường thủy số 1 (Quảng Ninh đến Việt Trì, qua sông Đuống), phù hợp quy hoạch.

Đồng thời, phương án 2 ít ảnh hưởng nhất đến đến đường sắt đang khai thác (nếu nâng cao độ cầu đường sắt lên đạt tĩnh không thông thuyền 9,5m sẽ phải di dời ga Yên Viên, ảnh hưởng đến các đường ngang giao cắt với đường sắt hiện hữu ở hai đầu cầu), không làm gián đoạn chạy tàu đường sắt, bên cạnh đó, tận dụng được tối đa kết cấu để xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 1 trong tương lai, phù hợp với nguồn vốn trung hạn giai đoạn 2021-2025 đã được bố trí.

Về thiết kế cầu đường sắt, Ban quản lý dự án 6 đề xuất xây dựng cầu vòm thép bảo đảm mĩ quan với cầu đường bộ.  

Dự kiến, tổng mức đầu tư dự án 1.793 tỷ đồng, trong đó, chi phí bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng 776,2 tỷ đồng; chi phí xây dựng 680,8 tỷ đồng… Tiến độ thực hiện ngay từ năm 2021 và hoàn thành vào năm 2025.

Chia sẻ