Kinh tế tăng kỳ tích, gỡ khó cho bất động sản, trái phiếu

Tăng trưởng kinh tế VN được đánh giá là điểm sáng trong “bức tranh màu xám”, song vẫn còn nhiều vấn đề bất cập như trái phiếu doanh nghiệp, thị trường bất động sản...

Ngày 1.12, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11. Báo cáo cho biết, trong tháng 11, tình hình kinh tế - xã hội (KT-XH) khởi sắc trên hầu hết các lĩnh vực, kinh tế vĩ mô được duy trì ổn định, lạm phát được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng bình quân 11 tháng tăng 3,02%...

Không bỏ mặc người dân, doanh nghiệp

Về chương trình phục hồi và phát triển KT-XH, đã giải ngân đạt gần 71.500 tỉ đồng, chi đầu tư phát triển đạt 176.000 tỉ đồng.

Kết quả phát triển KT-XH của VN được nhiều tổ chức quốc tế tiếp tục đánh giá tích cực và dự báo lạc quan về tăng trưởng năm 2022, 2023. Trong đó, IMF đánh giá VN là điểm sáng trong “bức tranh xám màu”, dự báo năm 2022 kinh tế VN tăng trưởng 7% - mức tăng trưởng kỳ tích và đứng đầu ASEAN...

phulam-vn-thu-tuong-pham-minh-chinh.jpg

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11.2022 TTXVN

Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt, thành lập các tổ công tác thúc đẩy giải ngân đầu tư công và xử lý những vấn đề nảy sinh như về thị trường vốn, bất động sản (BĐS), thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp (TPDN), thiếu thuốc, sinh phẩm y tế, xăng dầu...

Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung giải quyết những khó khăn cho DN và người dân, trong đó có tháo gỡ về vốn, mở rộng thị trường, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh; thúc đẩy, bảo đảm các thị trường chứng khoán, TPDN, BĐS và các tổ chức tín dụng hoạt động công khai, minh bạch, lành mạnh, an toàn, bền vững. Bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, DN và các đối tượng liên quan trong bất cứ hoàn cảnh nào.

Bảo đảm quyền lợi hợp pháp của nhà đầu tư

Trao đổi với báo chí tại họp báo Chính phủ thường kỳ chiều qua, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi thừa nhận “tình hình hiện tại đúng là khó khăn với thị trường TPDN, đặc biệt là TPDN phát hành riêng lẻ”. Tính đến ngày 25.11, khối lượng mua lại trước hạn của các DN là 161.000 tỉ đồng và bằng 114% của khối lượng mua lại năm 2021.

Theo ông Chi, niềm tin của thị trường giảm sút, ảnh hưởng rất lớn, rất nhiều đến thị trường TPDN. Nguyên nhân do một số vụ việc vi phạm từ DN phát hành, ngân hàng thương mại phải xem xét và xử lý. Tin đồn không chính xác cũng ảnh hưởng, đặc biệt trong điều kiện công nghệ thông tin hiện nay. Ngoài ra, các DN phát hành đang gặp khó khăn về thanh khoản, về dòng tiền, về tín dụng. Thị trường BĐS khó khăn, nên các DN BĐS phát hành trái phiếu cũng khó khăn.

Lãnh đạo Bộ Tài chính cũng khẳng định, Chính phủ đã có các giải pháp ổn định và phát triển thị trường, bảo đảm quyền lợi hợp pháp của nhà đầu tư.

Liên quan đến Tổ công tác của Chính phủ với thị trường BĐS, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, trong vài ngày qua, Tổ công tác đã làm việc với UBND TP.HCM, Hà Nội, một số DN lớn trong lĩnh vực BĐS để lắng nghe khó khăn, vướng mắc về thể chế, trình tự thủ tục đầu tư, nguồn lực tài chính của DN... Tổ công tác cũng đã phân loại các nhóm vấn đề theo thẩm quyền, nếu vướng mắc thuộc trách nhiệm DN như đầu tư dàn trải thì DN phải chủ động xử lý, cơ cấu lại đầu tư. Vấn đề thuộc thẩm quyền của địa phương, bộ ngành, Chính phủ thì xem xét xử lý theo thẩm quyền.

Thông tin thêm, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Trần Văn Sơn cho biết có 2 khó khăn lớn nhất là thủ tục về đất đai, và thứ hai là nguồn tín dụng. Giải pháp sắp tới cần tập trung là rà soát các phân khúc thị trường, tập trung vào nhà ở thương mại và nhà ở xã hội.

Theo báo: thanhnien

Chia sẻ